HƯỚNG DẪN XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG TRUNG QUỐC

Quy định và thủ tục, kiểm dịch để xuất khẩu một container hàng nông sản (rau, củ, trái cây) sang trung quốc? Cách thức phân phối hàng nông sản tại Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của nước ta, chiếm tới 51% tổng khối lượng xuất khẩu nông sản.

Trước kia, việc xuất khẩu sang thị trường này không mấy khó khăn nhưng năm nay mọi việc đã khác, nước bạn xây dựng hàng rào kỹ thuật cao, đòi hỏi chất lượng khắt khe hơn cho từng loại hàng khác nhau.

Để tìm hiểu kỹ hơn về thị trường Trung Quốc, chúng tôi xin gửi đến bạn những thông tin cụ thể hơn về thị trường này.

Các quy định xuất khẩu nông sản (trái cây) sang Trung Quốc

Trước hết, các bạn cần phải biết về trình tự phê chuẩn 1 loại trái cây của Việt Nam được phép nhập khẩu sang Trung Quốc.

cach-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc

Trình tự phê chuẩn một loại trái cây cụ thể được phép nhập khẩu vào Trung Quốc bao gồm 4 bước:

Bước 1: Cơ quan phụ trách kiểm dịch nước xuất khẩu (ở Việt Nam là Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần có văn bản đề nghị chính thức với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Bước 2: Trên cơ sở các tài liệu do Cơ quan phụ trách kiểm dịch nước xuất khẩu cung cấp, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tiến hành phân tích đánh giá rủi ro đối với sản phẩm đề nghị được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

Bước 3: Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành thảo luận với Cơ quan phụ trách kiểm dịch nước xuất khẩu về các yếu tố đánh giá rủi ro và tiến hành khảo sát thực địa từ vườn trồng, khu thu hoạch, khu đóng gói, v.v. để chuẩn bị cho việc cấp mã đăng ký vườn trồng, đăng ký doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu.

Bước 4: Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ xác định các yêu cầu về kiểm nghiệm kiểm dịch đối với trái cây được đề nghị cấp phép nhập khẩu, xác định nội dung Nghị định thư, đối tượng kiểm dịch trái cây nhập khẩu.

Tiếp theo đó các bạn cần đáp ứng về điều kiện để nghị kiểm dịch để được cấp phép như sau.

Điều kiện đề nghị kiểm dịch cấp phép nhập khẩu:

  • Nước xuất khẩu hoặc khu vực xuất khẩu không có bệnh dịch nghiêm trọng.
  • Phù hợp với các quy định có liên quan được quy định tại pháp luật về kiểm định động thực vật của Trung Quốc.
  • Phù hợp với các thoả thuận kiểm dịch có liên quan được ký kết song phương giữa Trung Quốc và nước (khu vực) xuất khẩu (bao gồm cả Nghị định thư, Hiệp định kiểm dịch, Bản ghi nhớ, v.v.).

Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, có 09 loại trái cây của Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào Trung Quốc gồm: vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, chôm chôm, xoài, mít, chuối và măng cụt.

Hiện nay, Cơ quan phụ trách kiểm dịch hai Bên đang tích cực phối hợp trong quá trình đánh giá rủi ro đối với một số loại trái cây của Việt Nam như: thạch đen, sầu riêng, chanh leo, bưởi và roi để các loại trái cây này được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

Thủ tục nhập khẩu và cách thức phân phối nông sản Tại Trung Quốc

Chuỗi phân phối nông sản nhập khẩu, đặc biệt là trái cây nhập khẩu của Trung Quốc lâu nay được thực hiện theo mô hình cung ứng truyền thống, đặc trưng với rất nhiều khu chợ bán buôn, tiểu thương, các quầy hàng bán lẻ, v.v. Như trên hình các bạn đang nhìn thấy.

Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao của thị trường và sự phát triển của thương mại điện tử, chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, mô hình cung ứng hàng cũng thay đổi.

Các bạn hãy nhìn hình bên dưới để hiểu rõ hơn về mô hình nhập khẩu của nước bạn.

Thực tế, sau khi hoàn tất quy trình, các đơn vị xuất khẩu phải tiến hành hoàn tất các thủ tục khai báo kiểm dịch như sau:

  • Trước khi ký hợp đồng thương mại, nhà nhập khẩu cần có Giấy phép nhập khẩu động thực vật.
  • Chủ hàng hoặc người được uỷ quyền trước khi hoặc khi nhập khẩu trái cây phải tiến hành khai báo kiểm dịch với Chi cục Kiểm nghiệm kiểm dịch tại cửa khẩu nhập khẩu, đồng thời phải điền vào Đơn xin phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu quốc gia nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và nộp cho Cục/Chi cục kiểm nghiệm kiểm dịch và giám sát chất lượng quốc gia tại cửa khẩu chỉ định nhập khẩu.
  • Ngoài đơn đề nghị nêu trên, Chủ hàng hoặc người được uỷ quyền làm thủ tục nhập khẩu phải nộp kèm các giấy tờ khai như hoá đơn, hợp đồng thương mại, giấy chứng nhận xuất xứ, Chứng thư/giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch động thực vật của nước (khu vực) xuất khẩu cấp, Chứng thư đặc biệt đối với một số loại trái cây như Giấy chứng thư đã qua quá trình khử trùng bằng xử lý lạnh hoặc xử lý nóng/Chứng thư về nồng độ tàn dư thuốc trừ sâu trên trái cây, v.v.
kiem-dich-thuc-vat-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc
  • Thông thường, theo các quy định  pháp luật liên quan của Trung Quốc, quy trình cấp phép nhập khẩu cần 20 ngày làm việc.
  • Sau khi nhận được đề nghị kiểm dịch cho phép nhập khẩu của Chủ hàng hoặc người được uỷ quyền làm thủ tục nhập khẩu, cơ quan kiểm dịch cửa khẩu sẽ tiếp nhận báo kiểm trên cơ sở đối chiếu chứng từ xuất nhập khẩu, chứng thư/Giấy chứng nhận kiểm dịch, v.v. trước khi tiến hành kiểm nghiệm tại hiện trường.
  • Trên cơ sở các quy định pháp luật và tiêu chuẩn liên quan, các Hiệp định song phương về kiểm dịch, các Nghị định thư ký giữa các cơ quan chủ quản kiểm dịch và các yêu cầu về Chứng thư/Giấy chứng nhận kiểm dịch để tiến hành kiểm dịch trái cây nhập khẩu. Đây là mẫu chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Bên cạnh đó, để có thể xuất khẩu sang nước này, các doanh nghiệp còn phải chú ý đến cách thức đóng gói, bao bì hàng nông sản xuất khẩu đạt theo tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Đây là những thông tin mà các Doanh Nghiệp cần nắm khi muốn tìm hiểu cách để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Những yêu cầu về kiểm dịch, kiểm nghiệm nông sản của Trung Quốc

Một số lưu ý đối với nội dung kiểm dịch, kiểm nghiệm theo các quy định của Trung Quốc:

  • Nông sản đặc biệt là trái cây cần có xuất xứ rõ ràng, bao gồm thông tin nơi sản xuất, cơ sở đóng gói.
  • Ngoài bao bì cần ghi rõ tên sản phẩm, nơi sản xuất, tên cơ sở đóng gói.
  • Sản phẩm nông sản phải phù hợp với nội dung giấy phép nhập khẩu; số lượng không được vượt quá số lượng cho phép tại Giấy phép nhập khẩu.Không được nhập khẩu kèm các loại nông sản chưa được phép nhập khẩu chính thức.
  • Nông sản nhập khẩu không được dính đất, cành hoặc lá và không có côn trùng gây hại, cỏ dại hoặc các loại bệnh.
  • Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng phải phù hợp với tiêu chuẩn cho phép của Trung Quốc.
  • Tại giấy chứng nhận kiểm dịch do nước xuất khẩu cấp cần thống nhất 3 thông tin gồm số container, người nhận hàng, người ký kết hợp đồng thương mại.

Sau khi nắm được các quy trình, nước bạn sẽ tiến hành kiểm dịch tại chỗ và kiểm tra trong phòng thí nghiệm, hàng hóa khi đến đây. Theo đó, trái cây tươi phải đáp ứng các yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch như sau:

  • Không đóng lẫn hoặc chứa các loại trái cây khác không được ghi trong Chứng thư/Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật có thể bị lẫn lộn..
  • Trên bao bì đóng gói phải ghi đầy đủ tên trái cây, xuất xứ, nhà xưởng đóng gói hoặc mã số doanh nghiệp bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh..
  • Không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như đối tượng sâu bệnh kiểm dịch, đất, nhánh cành, lá mà Trung Quốc cấm nhập cảnh.
  • Lượng các chất độc hại được phát hiện không được vượt quá các tiêu chuẩn an toàn và sức khoẻ có liên quan của Trung Quốc.
  • Trường hợp một nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu có thoả thuận hoặc một hiệp định với Trung Quốc, nước đó cũng phải tuân thủ các yêu cầu liên quan của thoả thuận hoặc nghị định thư.

Sau khi kiểm tra tại chỗ, nhân viên giám định sẽ lấy mẫu để giám định tại phòng thí nghiệm. Cục/Chi cục/Văn phòng hải quan tại cửa khẩu chỉ định sau khi tiến hành kiểm tra đối chiếu hiện trường và có kết quả tại phòng thí nghiệm sẽ:

  • Đối với những trường hợp phù hợp với yêu cầu kiểm dịch, sẽ cấp “Giấy phép nhập khẩu động thực vật” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho phép thông quan hàng hóa nhập cảnh.
  • Đối với các trường hợp không phù hợp với yêu cầu sẽ không cấp Giấy phép nhập khẩu và thông báo rõ nguyên nhân đối với cá nhân đề nghị được kiểm dịch.
  • Đối với những trường hợp kiểm dịch phát hiện các sinh vật gây hại, các loại thực vật mang tính nguy hiểm hoặc sâu bệnh hoặc các loại sâu bệnh thông thường nhưng vượt quá quy định cho phép song có thể xử lý khử trùng, loại bỏ những loại sâu bệnh thì sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ cấp “Giấy phép nhập khẩu động thực vật” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho phép thông quan hàng hóa. Trường hợp không xử lý được sẽ trả về nước xuất khẩu hoặc tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Sau khi đã hoàn tất thủ tục xin kiểm dịch nhập khẩu và được cấp phép, nếu như chủ hàng hoặc người được uỷ quyền thuộc một trong những trường hợp sau thì phải tiến hành lại các thủ tục xin kiểm dịch:

  • Tăng số lượng hoặc thay đổi loại trái cây nhập khẩu.
  • Thay đổi nước hoặc khu vực xuất khẩu.
  • Thay đổi cửa khẩu nhập khẩu.
  • Vượt quá thời hạn có giá trị sử dụng của giấy phép kiểm dịch..

Lưu ý: Một trong những yêu cầu quan trọng của cơ quan kiểm dịch Trung Quốc là trong quá trình làm các thủ tục liên quan đến kiểm nghiệm kiểm dịch, hàng hóa cần được lưu giữ tại nơi chỉ định, không được dịch chuyển, buôn bán hoặc sử dụng, nhằm tránh việc phát tán các sinh vật gây hại.

Cần chuẩn bị gì khi xuất khẩu nông sản (trái cây, rau, củ) sang Trung Quốc

Quy định và thủ tục, kiểm dịch để xuất khẩu một container hàng nông sản (rau, củ, trái cây) sang trung quốc? Cách thức phân phối hàng nông sản tại Trung Quốc.

Vậy sau khi hoàn tất các bước trên, phía người xuất khẩu cần chuẩn bị hàng hóa của mình như thế nào để xuất khẩu hàng sang Trung Quốc một cách thuận lợi.

Các bước chuẩn bị hàng để xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc

1/ Đơn vị xuất khẩu cần chuẩn bị đủ hàng về số lượng và chất lượng, bao bì, bảo quản,… đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của hợp đồng, cụ thể là:

  • Chuẩn bị lao động, công cụ, phương tiện vận chuyển sản phẩm khi thu hoạch, chuẩn bị mặt bằng, kho chứa tập kết sản phẩm để xử lý, đóng gói, lập các trạm hay điểm thu mua tại các trang trại, vườn trồng của các hộ nông dân.
  • Làm tốt công tác tuyên truyền nhắc nhở đến từng người dân về những điều khoản đã được thỏa thuận ký hợp đồng với phía Trung Quốc, để các chủ trang trại nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hoạch, không để bầm dập, hư hỏng, chọn lọc các loại quả tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.
  • Do đặc tính của nông sản tươi không bảo quản được lâu nên phải vận chuyển về xưởng và đóng gói trong ngày và đưa vào kho lạnh hoặc container lạnh. Vì vậy phải chọn một đội ngũ biết cách đóng gói, xử lý các vấn đề phát sinh lúc đóng gói ngay khi hàng về kho.

2/Đối với đơn vị sản xuất trái cây nhưng không có nhu cầu hoặc không thể trực tiếp xuất khẩu thì có thể ủy thác cho đơn vị khác xuất khẩu.

3/ Đối với đơn vị chuyên kinh doanh xuất khẩu cần khai thác nguồn hàng xuất khẩu bằng các hình thức như thu mua hàng theo kế hoạch, đơn đặt hàng, đổi hàng… dưới các hình thức hợp đồng như: Hợp đồng mua đứt bán đoạn, hợp đồng đổi hàng, hợp đồng ủy thác xuất khẩu…. Sau khi ký hợp đồng, đơn vị sẽ tiếp nhận hàng hóa để xuất khẩu, bao bì đóng gói, kẻ mã ký hiệu….., phải phù hợp với quy định liên quan của Chính phủ Trung Quốc và nội dung ký kết với khách hàng Trung Quốc.

Kiểm tra hàng hóa

Trước khi giao hàng, bên xuất khẩu cần kiểm tra số lượng, trọng lượng, chất lượng (kiểm nghiệm) và khả năng lây lan bệnh (kiểm dịch) của nông sản xuất khẩu. Việc kiểm tra này được tiến hành cả ở đơn vị và ở cửa khẩu.

Việc kiểm dịch ở đơn vị do Chi cục kiểm dịch thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Trong trường hợp Nhà nước quy định hoặc theo yêu cầu bên mua, sẽ cần mời đơn vị giám định độc lập.

Quy trình giám định hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc

  • Nộp hồ sơ yêu cầu giám định gồm Giấy yêu cầu giám định, Hợp đồng, L/C.
  • Cơ quan giám định thực hiện giám định hàng hóa tại hiện trường, phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm.
  • Cơ quan giám định thông báo kết quả và cấp chứng nhận tạm để làm thủ tục hải quan (nếu có yêu cầu).
  • Kiểm tra vệ sinh kho hàng.
  • Giám sát quá trình xuất hàng.
  • Cơ quan giám định cấp chứng thư chính thức.

Làm thủ tục hải quan xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Các doanh nghiệp cần nộp các loại giấy tờ sau đây cho cơ quan hải quan:

  • Tờ khai Hải quan (Customs Declaration).
  • Hợp đồng mua bán (Sale Contract).
  • Danh sách đóng gói (Packing List).
  • Giấy chứng nhận kiểm dịch (Phytosanitary Certificate).
  • Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin).
  • Vận đơn (Bill of Lading).
  • Hóa đơn (Invoice). Yêu cầu khác (nếu có).
  • Giấy phép nhập khẩu.
  • Giấy chứng nhận kiểm định.

Thuê phương tiện vận tải và giao hàng

  • Hàng hóa chủ yếu được vận chuyển qua đường bộ bằng xe tải hoặc container.
  • Việc thuê phương tiện vận tải có thể do bên bán (đơn vị xuất khẩu) hoặc bên mua (đơn vị nhập khẩu) tiến hành.
  • Bên bán (đơn vị xuất khẩu) sẽ phải tiến hành thuê phương tiện vận tải nếu hợp đồng xuất khẩu quy định bên bán thuê phương tiện để chở hàng.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các phương pháp giúp bảo quản nông sản tươi lâu, giảm tổn thất sau thu hoạch chỉ còn 5% – 10% và đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc,…  Và xa hơn thế nữa là Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,… bằng đường biển.

Nguồn: AGROVNI tổng hợp

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *