Căn bệnh quái ác khiến các quả chuối tưởng chừng như đang “rỉ máu” khi bị cắt đã xuất hiện tại Malaysia và mang nguy cơ lây lan khắp Đông Nam Á.
Tờ Newsweek ngày 20/12 cho biết bệnh “máu chuối” do một loại vi khuẩn gây ra khiến cây chuối tàn héo và gây thiệt hại lớn cho vụ mùa. Các triệu chứng của căn bệnh này là thối bên trong và biến màu, với cây xuất hiện màu nâu đỏ. Chưa có biện pháp chữa trị dứt điểm căn bệnh này.
Những quả chuối mắc bệnh “máu chuối”. (Ảnh: Newsweek).
“Máu chuối” được ghi nhận lần đầu tại một tỉnh ở Indonesia vào đầu thập niên 1900 nhưng đã bị chế ngự trong nhiều thập niên. Đến năm 1987, căn bệnh này được phát hiện ở Tây Java và từ đó đến nay đã lan sang nhiều đảo của Indonesia cũng như Malaysia.
Tác động của bệnh đối với trồng trọt thu hoạch là rất lớn. Khi nó mới xuất hiện, toàn bộ đồn điền bị bỏ hoang. Vào những năm 1980, nhiều nông dân phải ngừng trồng chuối.
Chuối là loại trái cây được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Việc hiểu được tốc độ và nơi lây lan bệnh “máu chuối” có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh lương thực.
Trong một nghiên cứu được đăng tải gần đây trên tạp chí Plant Disease, các nhà nghiên cứu Australia và Indonesia đã truy vết được phân bố địa lý của bệnh “máu chuối” và nhận định căn bệnh này nhiều khả năng sẽ lây lan khắp Đông Nam Á. Họ cũng nhận diện được bệnh “máu chuối” ở 18 giống chuối khác nhau.
Đội ngũ nghiên cứu nhận định căn bệnh “máu chuối” lây lan do việc vận chuyển chuối nhiễm bệnh. Ở phạm vi ngắn, “máu chuối” cũng lây lan qua một nguồn duy nhất, đồng nghĩa với việc côn trùng, nước và đất có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của vi khuẩn gây bệnh.
Ông Jane Ray tại Đại học Queensland (Australia), người tham gia cuộc nghiên cứu nhấn mạnh: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng tất cả các vấn đề về dịch bệnh đều bắt đầu khá nhỏ và có thể được ngăn chặn nếu hành động sớm nhưng nếu không được kiểm soát và lây lan, chúng có thể trở thành trở ngại lớn đối với sản xuất trên các khu vực địa lý rộng lớn”
Cập nhật: 22/12/2021 Theo Báo Tin Tức