LÀM CHÍN TRÁI CÂY BẰNG ETHEPHON

Ethephon là chất gì?

Ethephon là hoạt chất thường được sử dụng để điều hòa sinh trưởng, kích thích thực vật ra hoa, thúc đẩy làm chín trái cây.

Thường được biết đến với cái tên thương mại là: Ethrel, Flodimex…

Ở nước ta hiện nay Ethephon (Ethrel) như là một chất không thể thiếu trong công nghệ trước và sau thu hoạch, sử dụng phổ biến ở những loại trái cây khó chín như: mít, sầu riêng, chuối, xoài, bơ…

Trước là thúc cho cây mau ra hoa kịp mùa vụ hoặc trái mùa.

làm chín trái cây

Hình ảnh xoài chín

Kích thích sự chín đều và đồng loạt sau thu hoạch cho trái cây để đảm bảo giá trị thương mại khi bán ra thị trường.
Ethephon còn được xem là một giải pháp cách mạng, mang lại nhiều giá trị chonông nghiệp Việt.

Điều hòa sự sinh trưởng cây trồng, thúc đẩy ra hoa sớm, nhằm tạo ra những sản phẩm dài vụ và trái mùa.

Ethephon có thể làm tăng hàm lượng Vitamin C và hàm lượng đường hòa tan trong trái cây, rau quả, nhưng ít ảnh hưởng đến độ axit. Ethephon có thể thúc đẩy một loạt các chuyển hóa sinh học trong quá trình làm chín trái cây, như thoái hóa tinh bột, phân hủy diệp lục, tăng lượng đường và thay đổi các hoạt động enzyme khác nhau.

Ethephon làm chín trái cây như thế nào?

Thông thường, các loại trái cây như chuối, táo, lê, mít… muốn chín cần phải có một chất: ethylene – chất được xem như hormone “lão hóa” ở thực vật.

Ethylene sẽ chịu trách nhiệm cho sự “thay da đổi thịt” ở hoa quả khi chín: làm quả mềm ra, đổi màu…

làm chín trái cây

Hình 1. Các cấp độ chín của chuối

Ethephon hoạt động dựa trên chính cơ chế này. Sau khi thấm vào trái cây, ethephon sẽ bị phân giải thành ethylene, qua đó thúc đẩy quá trình chín nhanh ở trái cây. Càng nhiều ethylene được tạo thành thì trái cây càng mau chín.

Ethephon có gây hại gì không?

Nghe đến việc ăn một thực phẩm được ngâm hóa chất chắc nhiều người không khỏi chùn tay. Liệu những hóa chất này có gây độc cho cơ thể không? Thậm chí, có ý kiến cho rằng nó có thể gây ung thư nữa.

Tuy nhiên, theo khẳng định giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp, từ lâu các nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi Ethephon trong ngành trồng trọt cả trong và sau thu hoạch để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả, tạo điều kiện cho công nghệ sau thu hoạch.

Cách đây 20 năm, Nhà nước cũng đã cho tiến hành dự án “Chuyển giao sản xuất thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm Ethephon từ Cộng hòa Liên bang Nga vào Việt Nam”.

Tiến sỹ khoa học Trần Hạnh Phúc, Viện sinh học nhiệt đới, chủ nhiệm dự án cấp Nhà nước “Sản xuất thử nghiệm Ethephon” cũng khẳng định, tất cả những sản phẩm trái vụ, dài vụ hiện nay đều do Ethephon mang lại. Kết quả xuất khẩu các loại trái cây như xoài, mít… cũng là nhờ có Ethephon. Ethephon cũng được sử dụng trong ngành chế biến của tất cả các nước và đã mang lại giá trị lớn cho nền công nghiệp hàng hóa.

Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Ý, Chile, Australia,… đã cấp phép sử dụng ethephon như chất làm chín trái cây hợp pháp trong nông nghiệp.

Việc phát triển nông nghiệp hiện đại không thể thiếu những ứng dụng của công nghệ sinh học. Trong ngành chế biến nông sản, không ai có thể chờ từng trái cây chín rồi mới đưa vào sản xuất, nhất là các loại trái rất khó chín đều như mít, sầu riêng, chuối.

Lượng chất sử dụng trên thực vật sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành các sản phẩm không độc là phosphate, ethylene, và clorua, hoặc bay hơi hết trong quá trình vận chuyển trái cây.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cũng khẳng định, Ethephon không gây độc hại nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng giai đoạn, sử dụng sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Theo đó, không nên dùng Ethephon ép chín trái cây quá nhanh. Cụ thể, thay vì ép chín trong 1 ngày, nông dân nên sử dụng liều lượng cho quá trình chín trong 3-4 ngày. Đồng thời, chế phẩm này cũng có thể loại bỏ dễ dàng bằng cách rửa sạch, nên người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm.

Hình 2. Các cấp độ của chanh dây

Ethephon có độc không?

Các nhà khoa học đều khẳng định Ethephon không liên kết chặt chẽ trong mô cây trồng. Nó có thể được loại bỏ dễ dàng bằng cách rửa. Do đó, dù là trái cây hay rau củ, nên rửa sạch trước khi sử dụng. Đối với các nhà vườn và các thương lái nên sử dụng đúng giai đoạn, đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; sử dụng sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đó cũng chính là cách thể hiện lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội vì sức khỏe của cộng đồng. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần quyết liệt hơn trong việc xử lý những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm lành mạnh hóa thị trường và ổn định tâm lý người tiêu dùng, tránh tạo ra tâm lý xa lánh hàng Việt Nam, vô tình tiếp tay cho các thương hiệu nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Ethephon có rất nhiều ứng dụng để điều khiển các quá trình sinh trưởng của cây và trái chứ không chỉ gói gọn trong việc kích thích ra mủ trên cây cao su như một số bài báo đã đưa tin. Ở nước ta, Ethephon được phép sử dụng trong phân bón và điều này được ghi rõ trong Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón ban hành kèm theo Thông tư số 36, ngày 24.6.2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Lợi ích sử dụng

  • Kích thích chín cho trái cây đảm bảo giá trị thương mại, khi thị trường đang có nhu cầu cao.
  • Chất thúc đẩy sự chín cho trái cây an toàn, được chứng minh không gây độc hại.
  • Tăng giá trị thương mại khi cung cấp sản phẩm trái mùa.

Một số lưu ý khác

GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp lưu ý, không nên nhầm lẫn ethylen với acetylen (đất đèn). Theo ông Thạch, đất đèn ảnh hưởng đến sức khỏe do có tạo ra phosphin PH3 rất độc hại.

Tiến sĩ khoa học Trần Hạnh Phúc cũng cho biết, trước đây bà con thường dùng đất đèn để làm chín trái cây. Khi đất đèn gặp nước sẽ sản sinh khí acetylen giúp trái cây mau chín. Tuy nhiên, trong đất đèn chứa arsenic và phosphorus rất độc, khi gặp nước đất đèn tạo mùi hôi khó chịu, dễ gây cháy nổ. Đất đèn cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nhức đầu, chóng mặt. Thêm nữa đất đèn không phù hợp và không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo thông lệ quốc tế đối với hàng xuất khẩu nên nhiều nước cấm sử dụng.

Nguồn: AROVNI sưu tầm

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *